nghệ thuật · phim ảnh · Vương Gia Vệ

Đọa lạc thiên sứ – Điệu valse của những nỗi cô đơn

Vương Gia Vệ là một nhạc trưởng tài ba, dưới những nhịp vung đũa của ông, hình ảnh, âm thanh hòa quyện với nhau lớp lang và logic đến lạ, phơi bày ra trước mắt chúng ta một thế giới lung linh sắc màu của đơn côi và nỗi niềm hoang hoải của những tiểu thị dân thuộc tầng lớp bình dân hay trung lưu sinh trưởng vào thời kì vất vưởng nhiều nỗi hoang mang và đôi ba biến động xã hội. Chủ đề quen thuộc trong phim của ông là tình trạng nửa thân trên mắc kẹt trong quá khứ nhưng chân thì may sao vẫn chuệnh choạng đậu ở hiện thực, trớ trêu một nỗi nhân vật lại đang đứng trên đường ray chở hàng tự động, chẳng cần tốn công thời gian cũng đưa họ về tương lai. Quá khứ, hiện tại, tương lai xoắn bện vào với nhau như sợi dây nhiều màu trên tay đứa trẻ, tôi vắt mấy đường, bạn lại đan dây này với dây kia, biến đổi muôn hình vạn trạng. Vậy chúng ta mới có cái để xem. Sự biến hóa đó được tái diễn bằng một phong cách quay phim, lối kể chuyện đậm chất thơ, với sự xuất hiện lặp lại của hình ảnh khói, màu sắc ố vàng, những gương mặt HongKong thân quen nay đã lùi vào dĩ vãng , và chính sự nhận-thức-lại, xem-lại của những cặp mắt yêu phim chán chường với thực tại phim ảnh và chính hiện thực đời sống của họ cũng là một yếu tố tạo nên sự cuốn hút trong phim. Phim của ông sẽ không ngừng được xem lại, và càng xem lại thì sẽ càng được yêu thích bởi những thế hệ trong tương lai. Nói phim ông không phải phim thích hợp để xem vào chính thời điểm nó công chiếu, mà thuộc về lớp khán giả tương lai chưa ra đời, cũng chẳng ngoa. Thực ra giống như rượu, ủ càng lâu thì càng ngon, còn chẳng mấy ai nấu xong uống luôn cả. Để phim ông đẹp hơn, cần thời gian, khi mà chính nó cũng tái hiện lại dòng thời gian tâm tưởng lộn xộn và hoài niệm về những hạt bụi vàng của mộng ảo phù hoa trong dĩ vãng. Tôi thích phim của Vương Gia Vệ, dù nhìn từ góc độ tổng thể, xâu chuỗi hay từ góc độ nhỏ lẻ, tách rời. Với tôi, “Fallen Angels”/”Đọa lạc thiên sứ” là cửa ngõ rộng rãi dễ dàng giúp tôi tiếp cận thế giới phim và những điều ông muốn truyền tải hơn, nên tôi muốn dành đôi ba dòng chữ viết về nó, cho những con người đơn côi, lạc lõng chẳng bấu víu được vào mấy sợi dây trong xã hội.

Nỗi cô đơn bảng lảng đã chẳng phải điều gì mới lạ khi người ta cứ liên tục nhắc đến mỗi lần nói tới Vương Gia Vệ. Đời người có dăm bảy đường cô đơn. Chi bằng ta cứ đi vào dấu hiệu cụ thể mà đã thủ thỉ cho ta nghe rằng “Ê này, ông làm phim đang nói tới nỗi cô đơn đấy”. “Đọa lạc thiên sứ” cũng giống như “Trùng Khánh sâm lâm”, được kể từ điểm nhìn của các nhân vật, nhìn chung có thể chia ra thành hai câu chuyện riêng, hai lạch nước nhỏ cuối cùng lại đổ về một suối. Câu chuyện đầu tiên xoay quanh tay sát thủ tên Minh và cô gái hợp tác chung với anh ta (do Lý Gia Hân thủ vai). Cặp đôi này làm tôi nhớ đến bộ phim “Leon The Professional” ra đời liền trước “Đọa lạc thiên sứ” chỉ một năm. Tôi đoán giai đoạn này Vương Gia Vệ đang thử nghiệm những chất liệu mới mà ông thấy thích để tìm con đường thích hợp nhất, có thể diễn tả chân thực nhất những gì mà ông muốn kể. Thực ra thì ở giai đoạn nào trong đời người ta cũng sẽ muốn thử nghiệm để cải tiến và phát triển những gì đã được kể, tìm ra những gì chưa được kể và kể nó ngày một điêu luyện hơn. Vào thời gian đó, đạo diễn Vương bắt đầu chơi với một chút phong vị Nhật Bản, hình thức phim Âu Mỹ ánh lên chất thương mại và lẩn khuất ngòi phim thần tượng mà sau này khi đã bùng lên nhờ làn sóng Hallyu thì đã trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh. Ý tôi không phải Vương Gia Vệ là người khơi ra làn sóng Hallyu, mà chỉ là ông nhận thức được, hoặc bị ảnh hưởng bởi phong trào thần tượng bắt đầu manh nha ở ngay chính HongKong nên ông đã chọn những nhân vật nam điển trai và nữ xinh đẹp vào vai chính trong bộ phim này, và khắc họa nhân vật mang tính hoạt họa một chút thông qua tạo hình lãng tử lạnh lùng cho Minh, sực nức mùi dục tính cho Lý Gia Hân, kiểu neon cho Mạc Văn Úy hay “tậu” cho Kim Thành Vũ con xe moto phân khối lớn mà tôi đoan chắc là cảnh ảnh phóng vun vút dưới đường hầm đã đốn ngã không biết bao nhiêu con tim thiếu nữ. Khác với sự đời thường, dàn trải của “Xuân quang xạ tiết”, “Đọa lạc thiên sứ” mang tính phân khối, phân mảng, hoạt họa và đóng khung tuýp nhân vật tương đối rõ ràng. Xuyên suốt bộ phim, nhưng đặc biệt là với Lý Gia Hân nói riêng và câu chuyện đầu tiên nói chung, ông sử dụng ống kính hất từ trên xuống, phóng đại mặt nhân vật, bóp méo cấu trúc hình cũng như bố cục dịu mắt thông thường để tạo độ lồi lõm và móp méo nhất định cho nhân vật. Đây đã là tín hiệu làm khán giả khó chịu, phải chú ý vào khung hình hơn để hiểu được bộ phim, và cũng là ngụ ý cho việc cố tình đẩy người khác ra khỏi không gian riêng tư của mình bằng những điệu bộ quá quắt, khó chịu, khó chiều của chính các nhân vật. Nhưng chính xác ra thì góc quay này còn lẩy lại góc quen thuộc trong phim khiêu dâm Nhật Bản, thể hiện rõ nhất qua các khung hình quay cận Lý Gia Hân. Nó cũng hay được dùng để quay cảnh nhân vật nữ thủ dâm trong phim khiêu dâm, vì sẽ để lộ môi, lưỡi, hơi thở phả vào khung hình đượm mùi quyến rũ, ngoài ra còn ngực và bộ phận nhạy cảm bên dưới. Trong trường hợp này, Vương Gia Vệ để tóc mái che kín mặt giấu đi danh tính Lý Gia Hân, trang phục chủ yếu màu đen hoặc đỏ, da báo, những màu rất nổi và có tác dụng thị giác mạnh, chất liệu bằng da bóng, cổ đeo choker, miệng đánh son đỏ, chân đi tất lưới – tạo hình quen thuộc trong giới BDSM. Chất liệu da đen bóng thường được bắt gặp trên trang phục của motor-biker hoặc đồ chơi tình dục (roi da, tất da chân bó đen với những sợi dây vắt chéo nịt chặt lấy da thịt).

Fallen angels3

Góc quay từ trên xuống

 

Fallen angels10

Fallen angels13

Lý Gia Hân xinh đẹp trong vai cộng sự của Minh

Nhưng góc quay thật khi nhân vật cộng sự này thủ dâm thì lại là hất chéo từ trái sang, chỉ để lộ hai chân quặp chặt vào nhau, đôi tất lưới, chiếc giày cao gót cũng bằng da chứ không lộ mặt. Bố cục phẳng, chia thành hai phần rõ ràng. Người ta nhận biết được cô gái đang làm gì thông qua tiếng rên rỉ, thở dốc và chuyển động cọ xát giữa hai chân và tay cô gái, mô phỏng lại động tác khi làm tình. Ở nhân vật này ta bắt gặp sự cô đơn khi người ta đè nén ham muốn tình dục của chính mình, tự ve vuốt bản thân vì không thể đạt được sự âu yếm từ tay kẻ khác. Nếu để ý kĩ, nhân vật nữ này thực sự rất lạnh lùng và khép kín. Cô ta không có quan hệ bạn bè với ai, sống một mình, chuyên lục lọi thùng rác của người cô ta quan tâm, sử dụng lại đồ cũ của anh ta, đây là mối dây duy nhất giữa cô ta và thế giới con người bên ngoài. Cô ta cảm thấy ấm áp và vui vẻ khi dùng lại đồ vật đã mang chút hơi ấm của Minh, tưởng tượng mình cũng được anh yêu thương, và dường như hành vi ấy đem lại cho cô ta cảm giác rằng hai người đang ở trong một mối quan hệ. Dù khát khao quan tâm và mong muốn kết nối nhưng tự cô gái này đã cắt đứt mọi sợi dây nối liền cô ta với người khác, vì cô ta cảm thấy không an toàn, có lẽ vậy. Cô ta chẳng nói năng gì nhiều với người khác, lúc nào cũng bận đồ đen tỏ rõ thái độ không muốn ai lại gần. Tất cả mãnh liệt và cuồng nhiệt đều bị chôn thật sâu bên dưới, sâu đến nỗi cô ta cũng không biết làm thế nào để tìm lại nó. Cả bộ phim, cô ta không trực tiếp ở trong cùng khung hình với ai trừ hai lần với Minh, dù cô ta có liên hệ với Minh bằng điện thoại (một lần nữa, ở đây lại là liên hệ với người khác chứ không phải trực tiếp với Minh). Cho đến tận cuối phim, khi cô ta ôm Hà Chí Vũ (nhân vật câm do Kim Thành Vũ thủ vai) trên chiếc xe motor hướng về chung cư cô ta ở, nhân vật này mới được chạm thực sự vào cơ thể ấm nóng của một ai đó.

fallen angels2

 

Còn câu chuyện thứ hai xoay quanh Hà Chí Vũ. Đây là nhân vật tôi thích nhất trong bộ phim này, nhiều đau khổ nhưng vẫn toát lên vẻ nhẹ nhàng, dịu dàng và hài hước nhất định. Trái ngược với Lý Gia Hân luôn thui thủi một mình giữa khung hình, Hà Chí Vũ xuất hiện cùng rất nhiều người. Anh ta bị câm nhưng mạng lưới quan hệ của anh ta lại rộng. Anh ta không nói được nên Vương Gia Vệ biến câu chuyện của anh thành một bản nhạc và anh biến thành người nhảy chính, khi thì sóng đôi cùng cô gái anh ta yêu, rồi lại xoay sở cùng với cha, giữa những khuông nhạc thời gian liên tục biến đổi, và cô đơn khi sau rốt chỉ còn mình anh ta với bản nhạc không lời này. Lý Gia Hân cực đoan rút hết tất cả sự xuất hiện của mình ra khỏi cuộc đời những người xung quanh, còn Hà Chí Vũ thì biến những người xung quanh thành nhân vật trong trò chơi nhỏ chỉ riêng mình anh biết luật và riêng mình anh là người chơi. Ông chú tóc dài thường xuyên bị Hà Chí Vũ ép làm khách hàng, rồi ông bố già thi thoảng bị mấy trò nghịch ngợm quái chiêu của anh chọc tức rụng cả tóc. Anh giống như một đứa trẻ, được bố bảo bọc và nuông chiều nên sinh ra nghịch ngợm, dù cơ thể bên ngoài là của một chàng trai đã ngoài hai mươi nhưng thái độ sống, cách sống của anh vẫn mang dáng dấp hồn nhiên, bất cần của một đứa trẻ, ích kỉ mà lại đầy can đảm và thách thức giữa một thế giới nhàm chán của lo toan vật chất. Tôi rất thích trò chơi nghề nghiệp của anh. Mỗi đêm, anh sẽ phá khóa lẻn vào một cửa hàng nào đó, giả vờ mình là ông chủ, giống như các bé gái hồi nhỏ chơi xếp hàng còn các bé trai chơi đánh trận giả, khác cái là đồ chơi giờ đều biến thành thật. Ôi chao, nếu mình là chủ một cửa hàng bán thịt lợn thì sẽ làm như thế nào nhỉ? Nếu là tôi thì sẽ chăm chỉ rửa sạch thịt, cạo lông ở lớp bì rồi xắt nhỏ nó thành các khối thịt vuông vắn, đặt vào trong hộp nhựa rồi cất vào tủ lạnh. Tôi thích sự ngăn nắp, còn Hà Chí Vũ thì đấm lưng cho con lợn. Thực sự. Đời tôi chưa thấy ai massage cho lợn để thịt nó mềm ra, còn trèo hẳn lên bàn, giạng chân ngồi lên lưng lợn. Vương Gia Vệ cũng vui tính, giữ nguyên cả thân cả đầu lợn, trông chẳng khác gì một ông khách phốp pháp miệng cười haha cho Hà Chí Vũ tẩm quất.

Fallen angels5

Anh chơi nghiêm túc, và thực sự coi đây là nghề nghiệp của mình, nên cực kì khổ thân anh tóc dài bị bắt vào vai khách hàng bất đắc dĩ. Không thích gội đầu cắt tóc cạo râu à, còn dám chạy à, Hà Chí Vũ vác hẳn dao ra dí vào cổ cộng thêm khuôn mặt bặm trợn đậm chất đầu gấu chợ đen, thế là ông khách đành tươi cười bước vào cho anh hành hạ. Làm việc mà, xong Hà Chí Vũ còn không quên thu phí nữa chứ. Đúng là tận tâm với nghề. Cứ thế, khi màn đêm giăng xuống, thế giới của lý tính tạm khuất vào sau bóng đêm, cùng với thứ ánh sáng khiến người ta buộc phải nhìn thẳng vào sự thật của ban ngày, thì còn lại nơi đây, vương đầy trên mặt đất là thế giới cảm quan, những mộng tưởng bất khả và dường như xa vời giữa những rắn chắc của hình khối và quy luật khó mà xoay chuyển được của xã hội loài người. Với tôi, sự lựa chọn của Vương Gia Vệ ở đây thơ thật là thơ, mang âm hưởng rung rinh se sẽ truyền lại từ xưa thật là xưa khi mà người ta còn rủ rỉ rù rì vào tai trẻ con câu chuyện cổ tích nho nhỏ, ru chúng vào giấc mộng êm đềm và phù du. Mỗi đêm, anh có thể trở thành bất kì ai mà anh thích. Thế giới này có đồng ý hay không chẳng quan trọng. Trong khả năng của mình, anh sẽ xoay mọi thứ theo góc độ mà anh muốn. Chỉ tình yêu mới dung dưỡng được cho bất cần và táo bạo như vậy, một sự thể hiện cá tính thẳng thắn và mạnh mẽ. Nhưng cũng chỉ khuyết thiếu tình thương mới dung dưỡng ra được mộng ảo vấn vương, chực tan như ngọn sương đầu cành như thế. Ngày tới, giấc mơ sẽ chấm dứt, và ta trở lại mặt đất làm một con người tầm thường, lam lũi, bị đánh giá là vô công rồi nghề, đầu gấu, kết thúc phép màu đằng sau chấn song nơi phòng giam. Khoảnh khắc, sự trốn chạy trong khoảnh khắc, chỉ là một phút xuất thần mà thôi. Giả chăng, Hà Chí Vũ vẫn còn mẹ, và không bị câm, có lẽ cuộc đời anh sẽ khác. Anh sớm học được sự cô đơn, xa cách khi mà người cha ở vậy nuôi con, giấu sau đôi mắt ông là những tình cảm và nghĩ suy mà Hà Chí Vũ chẳng thể nào hiểu nổi. Có lẽ từ đấy, anh và cuộc đời bắt đầu tách nhau ra. Anh nhảy điệu valse trong tưởng tượng của riêng anh, còn cuộc đời cứ đưa anh về hướng nào nó muốn. Anh chẳng quan tâm, cuộc đời có lẽ cũng vậy chăng? Vì thế nên anh cô đơn, và thay vì cô đơn, cứ tạm gọi là lạc lõng trong vòng xoay của một điệu nhảy. Anh tách biệt với thế giới, vì chẳng ai biết trò chơi của anh. Họ không thể tham gia vào đời sống nội tâm phong phú, lãng mạn của một chàng trai câm, con trai ông chủ khách sạn nhỏ dành cho tầng lớp bình dân. Tại sao anh lại không kết thân với người khác? Khách sạn vốn dĩ là một nơi thích hợp để người ta làm quen với nhau và mở lòng, nhưng nhiều khi, sự qua lại liên tục của dòng người, biến đổi liên tục ở một tốc độ nhanh sẽ chẳng kịp lưu lại điều gì trên màn ảnh của lòng người, ngoại trừ những vệt sáng thẳng vương lại do chuyển động. Và đây chính xác là thủ pháp quay phim Vương Gia Vệ dành riêng cho nhân vật này. Những vệt sáng thẳng ngang và chếch chéo đan xen, giam giữ Hà Chí Vũ lại trong một không gian sinh tồn nhỏ hẹp, rồi chính anh cũng lại chuyển động va xẹt vào quỹ đạo của người khác, nhưng một cách đầy yếu ớt và thất bại. Đó là khi anh bắt đầu yêu, và thất tình ngay từ khi anh biết mình đã yêu.

Fallen angels9

Cảnh quay yêu thích nhất phim này của tôi là khi Hà Chí Vũ và Charlie ngồi ở quán bar, cạnh nhau, màu phim chuyển sang đen trắng, và anh bắt đầu đoạn độc thoại nội tâm “Phụ nữ giống như là nước”. Chuyển động nền của người phía sau được làm mềm đi, màn hình được tạo hiệu ứng rung rinh tựa như mặt nước, và nhạc nền bắt đầu nổi lên. Anh giãi bày tình cảm của mình cho người xem, nhưng lại chẳng thể cất nổi lời với cô gái đang ngồi đối diện. Anh và cô, tuy ngồi cạnh nhau đấy, nhưng mỗi người lại đang chìm đắm trong câu chuyện riêng của bản thân, không làm sao mà giao tiếp được với nhau. Charlie thậm chí còn chẳng cho anh bước một bước nào vào thế giới riêng của cô ấy, bởi lẽ cô ấy còn đang mải mê đắm chìm trong khổ đau, tiếc nuối và tưởng tượng hậu chia tay. Phim của Vương Gia Vệ đầy rẫy những con người thất tình, đóng lại cánh cửa kết nối họ với thế giới vì đã chìm sâu xuống đáy hồ kí ức. Họ thơ thẩn tựa như mất hồn. Ai ở cạnh họ hôm nay, ai lại ở cạnh họ ngày mai? Họ thấy đấy nhưng cũng chẳng thực sự để tâm. Trong mắt họ chỉ có trống vắng và duy nhất hình bóng của người dấu yêu đã bỏ rơi họ. Họ còn loay hoay tìm cách chống chọi lại với sự hoang hoải đơn côi khổng lồ ấy, cố sức để bản thân không sụp đổ và bấu víu vào điều gì đó để mà hi vọng, để mà chống đỡ cho quen với việc mất đi một người trong đời. Anh quen biết cô vào một thời điểm sai lầm. Và anh dịu dàng bên cô, dìu cô đi qua những chống chếnh ấy, và mau chóng chấp nhận số phận bị rơi vào quên lãng của bản thân. Anh cảm nhận được điều đó, nên anh không làm phiền cô. Anh chẳng dám, chẳng biết cách và cũng dự liệu được trước là vô ích.

Fallen angels8

Bởi thế nên trong khung hình đen trắng đó, anh nhún nhẩy, đung đưa trên ghế, quàng hờ tay đằng sau vai Charlie, hát thầm gì đó, khép hờ mắt nở nụ cười nhè nhẹ. Anh cũng chìm vào tưởng tượng của riêng mình trong tiếng nhạc dập dềnh. Hiện thực xô lệch, lu mờ, một thế giới khác hiện lên, lấp đầy tâm trí của anh. Có lẽ, trong đó, anh và Charlie sẽ có thể đến với nhau. Cô sẽ chịu mở mắt nhìn anh, quen biết anh, để anh bước vào cuộc sống của cô, và anh có thể hạnh phúc. Một đôi ba phút hiện thực phũ phàng và bế tắc được làm lỏng đi nhờ tiếng nhạc. Chuyển động cơ thể của Hà Chí Vũ trong đoạn này cũng rất nên thơ, giống như điệu nhảy valse. Bạn nhảy của anh có hơi thất thần, vì cô cũng đang trong điệu valse của riêng cô, nhưng chẳng sao cả, anh vẫn cứ phiêu với dòng cảm xúc đó thôi. Sự nên thơ ấy làm dịu vợi bớt mức độ đau khổ của tình yêu câm lặng này, khiến người ta dễ thở hơn. Bản thân đoạn phim cũng gợi lên trong tôi câu hỏi về mối quan hệ giữa hình và âm. Tiếng độc thoại của Hà Chí Vũ rõ ràng đã được ngăn cách với những gì thực sự xảy ra vào thời điểm đó, anh như một người thứ ba trần thuật lại chuyện của một người khác, lại giống như ca sĩ đang hát lên khúc ca của một người khác, có nhập tâm nhưng vẫn tạo ra khoảng cách nhất định. Còn Hà Chí Vũ đằng sau và Charlie thì giống như vũ công xoay tròn trên nền nhạc anh đang tạo ra. Ví von bản thân anh như một cửa hàng và Charlie là khách hàng, cũng khá hay. Nó bắt nối được vào khung cảnh thời đại thị trường lúc bấy giờ, quan hệ mua-bán, chọn lựa, và cũng mở ra mường tượng về không gian cho người xem. Mỗi con người giống như một không gian. Nhờ tình yêu này mà sau đó Hà Chí Vũ đã trưởng thành và có thái độ nghiêm túc với các cửa hàng hơn. Anh bắt đầu tìm một chỗ làm ổn định. Câu chuyện của anh là một câu chuyện bình thường có thể bắt gặp ở bất kì nơi đâu. Ừ thì thất tình, đau đớn đến mức thế giới sụp đổ trong lòng nhưng bên ngoài thì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, thời gian vẫn đang trôi. Trong chính sự ngỡ ngàng của chủ nhân, nỗi buồn lại đã tan đi, như thể bản thân anh chưa từng đau đến chết đi sống lại vì một người, lại như thể cái đêm Charlie thất hứa bỏ rơi Hà Chí Vũ một mình ở sân bóng, anh chưa từng bị cô đơn nuốt chửng vậy. Thời gian qua, rồi người bố của anh cũng già đi. Quan hệ cha-con, gia đình bắt đầu được đặc tả cận cảnh khi ông chủ cửa hàng sushi của Hà Chí Vũ tự quay video chúc mừng sinh nhật con trai rồi gửi về Nhật cho cậu bé. Góc quay lại bắt đầu bị méo, và thực ra ở đây hắt lại chút không khí phim tài liệu, khiến tình tiết neo vào hiện thực nặng hơn chun chút. Máy quay hất từ phải sang chiếu cận màn hình ti vi với màn hình cong (màn hình cong làm cho nhân vật xuất hiện trong ti vi bị to hơn so với bình thường), rồi bên cạnh chiếc ti vi ấy là Hà Chí Vũ dí sát mặt vào, lộ rõ gò má gồ ghề, mắt, mũi – sườn nghiêng khuôn mặt nhiều đường và nét, không phải một ví trí bằng phẳng hay dễ chịu cho mắt. Sau đó, Hà Chí Vũ bắt đầu tập chơi máy quay. Về nhà anh làm phiền bố suốt, giống như cậu nhóc có đồ chơi mới, bèn quấn lấy bố, dùng nó trêu bố. Cậu không ngần ngại dí sát máy quay vào những vị khách ngoại quốc trong khách sạn của bố, hay quay cảnh ông đang nấu ăn, ông đi vệ sinh cậu cũng muốn theo vào để quay. Mọi thứ qua ống kính dường như đều trở nên mới lạ và thu hút. Anh mải mê quay bố mọi lúc mọi nơi. Cách Vương Gia Vệ khắc họa tình cảm gia đình rất chân thật và hài hước. Ông bố khi bị quay thì rất tức giận, còn đòi đánh Hà Chí Vũ, nhốt anh ở ngoài phòng, nhưng sau khi lấy được phim từ tay con trai thì đêm nào cũng mở, vừa xem vừa cười vui vẻ và hạnh phúc. Hờ hững thôi, nhưng liệu Hà Chí Vũ có từng nghĩ về kì vọng bố dành cho anh hay không? Anh có muốn mình trưởng thành thật nhanh, trở thành người đáng tin cậy để bố anh có thể dựa dẫm vào hay không? Anh có thất vọng vì bản thân? Kì vọng của bố có phải gánh nặng khiến anh chìm đắm trong trò chơi riêng mình để quên đi thế giới bên ngoài kia? Hay anh muốn mãi mãi làm đứa trẻ để có thể mãi mãi ở cạnh bố mình? Dù vấn đề của một người là gì, nếu bản thân anh ta không tự giải quyết được, thì thời gian sẽ thay anh ta giải quyết, đưa đến đời anh ta những sự kiện bất ngờ. Bố của Hà Chí Vũ mất, kết thúc quãng thời gian làm con trẻ của anh ta. Trước đó, anh đã từng chịu tổn thương của sự kết-thúc một lần khi gặp lại Charlie và phát hiện ra cô đã có người yêu mới. Charlie đã thay đổi rất nhiều, cắt tóc gọn gàng, trang điểm xinh đẹp, mặt mày rạng rỡ, đoan trang đàng hoàng, gọn gàng và chừng mực trong bộ đồng phục tiếp viên hàng không. Lại một lần nữa, điệu valse tình yêu được cất lên. Vẫn là Hà Chí Vũ lạc lõng khỏi khung hình, lệch ra khỏi tuyến sự kiện đã tiến về phía trước (Charlie đã thoát khỏi khủng hoảng sau thất tình, bắt đầu cuộc sống mới nhưng Hà Chí Vũ thì không), mắc kẹt lại phía sau (bản thân Hà Chí Vũ trong đoạn này cũng được đặt ở phía sau Charlie). Anh không nói được, nên anh diễn một vở kịch nhỏ. Anh ngã nhoài lên tấm kính quầy hàng, như thể ai đã đánh anh một cú nặng tay lắm. Anh một tay cầm chổi một tay ôm bụng. Anh quằn quại dẫu cho anh chẳng hề lên tiếng hay khóc lóc. Sau đó, như thể thấy chưa đủ, anh xịt thêm chút tương cà lên vị trí trên bụng mình. Anh bị thương rồi. Sự lãng quên của cô gái ấy ở một phương diện nào đó là sự rũ bỏ tuyệt tình và trắng trơn. Nó bắn vào lòng anh một viên đạn cay đắng. Thâm tâm anh rỉ máu, dù anh chẳng hề khóc. Còn những người bên ngoài câu chuyện của anh, bao gồm cả cô gái anh vẫn thương yêu ấy, thì nhanh chân bước ra khỏi khung hình của anh, tay trong tay với bạn trai, coi anh chỉ là một người phục vụ kì quái mà thôi. Có lẽ cô sợ anh sẽ làm gì không hay với họ. C’est la vie.

Fallen angels11

Cả cô gái không tên do Lý Gia Hân thủ vai và Hà Chí Vũ do Kim Thành Vũ thủ vai đều đã đi đến hồi kết-thúc, khi những tấm biển chỉ đường trong cuộc đời họ đều đã biến mất. Cô gái cộng sự đẩy Minh vào chỗ chết, giờ cô ta chỉ còn lại một mình, không còn mộng tưởng gì nữa. Bố và Charlie đều đã bước ra khỏi cuộc đời Hà Chí Vũ. Giờ đây, họ tái ngộ nhau trong một quán mì, và nhanh chóng nhận ra sự tương đồng giữa cả hai. Đây là điểm đầu tiên và có lẽ là duy nhất chăng, mà cuộc đời họ giao nhau, dù đã gặp nhau đôi lần trước đó (cô gái này từng thuê phòng ở khách sạn của bố Hà Chí Vũ). Kết thúc phim là hình ảnh cô gái ngồi đằng sau ôm lấy Hà Chí Vũ, còn anh thì phóng vun vút dưới đường hầm sáng ánh đèn neon, sau đó họ ra khỏi hầm và bắt gặp bầu trời xám ảm đạm của một buổi sáng uể oải. Họ mê man, mất phương hướng, và cũng chẳng nhiều động lực sống lắm, vất vưởng giữa cuộc đời vì chẳng có lí do gì để chết. Màu trời xám nhờ và cả mạch truyện dở dang, vạch nẻo cho mê mang, hư vô và cảm giác trơ trọi, chấp chới róc rách chảy vào lòng người xem.

Fallen angels15

12/09/2019

Viết bởi Jenny Jyncee

Bình luận về bài viết này