chiêm tinh

Nhà 9 – Làm thế nào để mở rộng bản thân một cách an toàn và tỉnh táo

Nguồn dịch: https://www.khaldea.com/rudhyar/astroarticles/problemsweallface_9.php

Người dịch: Jenny Jyncee

Không sớm thì muộn, mọi cá nhân đều sẽ tìm cách mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, và thông qua phổ trải nghiệm gặt hái được từ đó, đạt đến trạng thái nhận thức lớn hơn về cuộc sống và trường-tồn-tại của mình. Mọi cá nhân đều cảm thấy mãnh lực của trạng thái hiện diện toàn vẹn và lớn lao hơn, cũng như bị nó thu hút, dù một cách ý thức hay vô thức, mãnh liệt hay yếu ớt. Chúng ta có thể gọi sự thu hút này là tham vọng; nhưng làm thế cũng chẳng giải quyết vấn đề mà nó gợi ra. Vì tham vọng thường xuyên biểu hiện ra dưới những hình thức tiêu cực hoặc mang tính phá huỷ nên nếu dùng từ này, người đọc sẽ dễ nhầm lẫn vấn đề.

Chúng ta tìm kiếm sự mở rộng; và có rất nhiều cách mà một con người xã hội có thể sử dụng để mở rộng bản thân một cách hợp pháp, an toàn và tỉnh táo. Trong chiêm tinh, những cách thức/con đường này liên quan tới phổ trải nghiệm đa dạng trên nhiều lĩnh vực, được biểu trưng bằng nhà chín trong bản đồ sao ngày sinh. Tuy nhiên, nếu một người muốn mở rộng mình một cách an toàn và tỉnh táo, cũng như trở thành “đại ngã” của chính mình thì người đó phải có được chiếc la-bàn chuẩn khi bắt đầu đặt chân vào những lĩnh vực kể trên. Người này phải tiếp cận vấn đề mở rộng với một thái độ lành mạnh, mang tính xây dựng về cả mặt tinh thần lẫn cảm xúc. Nếu không, người đó sẽ thất bại ngay trước cả khi bắt đầu; trải nghiệm về sự mở rộng viền ren tồn tại cũng như độ phủ hiện diện của người ấy cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến chua cay và độc hại, gây ra một dạng bệnh tật hay mất trí nào đó, nặng hay nhẹ thì tuỳ thuộc tình huống. Vậy thì thế nào là một thái độ tiếp cận đúng và mang tính xây dựng?

Trước khi chúng ta có thể đi đến định nghĩa một cách cụ thể và dễ hiểu những gì mà thái độ này cần ở một người thì chúng ta phải thấu đáo nền tảng phát triển cá nhân đã cung cấp sức mạnh và lõi năng lượng cho thôi thúc tự mở rộng mình của mỗi người, cũng như phương hướng mà nó thường vận hành trong xã hội ngày nay. Điểm đầu tiên cần nhắc tới là sự mở rộng bản thân của con người thường diễn ra ở hai cấp độ: hữu cơ và xã hội.

Từ khi sinh ra, cơ quan sống của con người liên tục tăng trưởng về mặt kích cỡ. Sự sinh sôi này đơn thuần là quá trình tiếp nối của một chu trình phát triển đã được lập trình từ trước khi ta ra đời, và được cung cấp năng lượng bằng quá trình tiêu hoá thức ăn bên ngoài. Sự trưởng thành này mang tính bản năng, do thôi thúc sinh học và tự nhiên gây ra. Tuy nhiên, quá trình phát triển này có thể bị can thiệp và chịu ảnh hưởng của thói quen dinh dưỡng/sự nuôi dưỡng không phù hợp và thiếu chất, hệ quả của áp lực tâm lý, xã hội hay nhiều cản trở khác mà đứa trẻ trải nghiệm trong môi trường sống của nó. Những vấn đề xuất hiện trong giai đoạn trải nghiệm đầu đời này của con người được chiêm tinh liên hệ với nhà hai, ba và bốn trong bản đồ sao ngày sinh.

Cơ thể vật lý của một con người được xây dựng thông qua những nhà này với góc hợp ban đầu của nó. Linh hồn đang dần tách ra thành một cá nhân, và bắt đầu hiện diện ở chiều không gian này, trong cơ thể này, dần học cách thích nghi, điều chỉnh, và ít hay nhiều điều khiển những nguyên tố cơ bản được cung cấp thông qua di truyền và môi trường. Trong quá trình này, người ấy sẽ phát triển các xu hướng và đặc trưng cá nhân của riêng mình, và người ấy thử ngoại hoá cũng như trưng ra những phần ấy của mình một cách ngẫu hứng (khi được phép). Trong quá trình đó, người này trở nên ý thức về những vùng nào người ấy bao phủ (người ấy là ai), những ham muốn của người ấy cũng như thất bại khi cố gắng thoả mãn các ham muốn đó (nhà bốn và nhà năm trong bản đồ sao ngày sinh); sau đó, người ấy bắt đầu tìm cách cải thiện kĩ thuật để hoàn thiện phương thức sử dụng, cũng như đạt được một cách bắt nối mới với những người khác, và cả cách làm việc chung với người khác nữa (nhà sáu).

Cuộc sống mang tính ý thức và trách nhiệm thực sự của một cá nhân chỉ bắt đầu khi người này đạt được một nhận thức chân thực và rõ ràng về mối liên hệ của người đó với người khác – những người mà người này gặp dưới vị trí một cá nhân, nghĩa là, dựa trên ý chí tự do của người này. Khi người này gặp gỡ những người khác trên điều kiện tiên quyết là ở vị thế ngang bằng và bình đẳng với nhau, người ấy bắt đầu cảm thấy cùng với họ, người ấy có thể khai phá một số mảng và chu kì hoạt động mới cũng như gặt hái những trải nghiệm mới mà người này không thể đạt được được nếu chỉ có một mình hay nếu hoạt động trong môi trường được bảo vệ của gia đình.

Con người, từ đó, trở thành một tồn tại mang tính xã hội. Người đó tham gia một cách rất ý thức hoặc lờ mờ, vào mạng lưới hoạt động phức tạp cấu thành nên xã hội; và một cách có lợi hoặc vô ích, người ấy trải nghiệm kết quả của sự tham gia vào xã hội này (những nội dung gắn liền với nhà bảy và nhà tám trong bản đồ sao ngày sinh). Người này bắt đầu bước vào công chuyện – công chuyện sống trong một xã hội, như một đơn vị xã hội giữa vô số đơn vị xã hội khác.

Chính vào lúc này câu hỏi thực sự về mở rộng một cách ý thức và tự do mới xuất lộ, kèm theo đó là vô vàn vấn đề cụ thể sẽ dần dần trồi lên. Công chuyện sống trong một xã hội có thể được tiếp cận theo cách tiêu cực hoặc tích cực. Do đó, chúng ta có thể thích nghi với những mô thức vận hành truyền thống của xã hội mình một cách toàn diện và không chất vấn gì, chúng ta trở thành một mảnh ghép, một bánh răng trong bộ máy lớn của xã hội. Chúng ta hành xử theo những tiền lệ cứng ngắc đã được quy định. Nó có thể mang tới cho ta rất nhiều lợi ích. Chúng ta có thể trở thành những đơn vị xã hội lớn hơn, những tạo vật thành công theo cách sống mà xã hội ta cho phép; nhưng ta vẫn là tạo vật, không phải người tạo tác, dù ta có to lớn hay quyền năng đến đâu theo những chuẩn mực xã hội thông thường.

Chúng ta có lẽ cũng sẽ thấm nhuần nhân tố thiết yếu của chủ nghĩa tuân thủ, điều cần thiết trong công chuyện sinh sống, quá trình chuyển hoá của trí tưởng tượng, cảm xúc và ý chí của cái tôi đích thực. Chúng ta có lẽ sẽ học được cách vận dụng những mô thức của nhóm mà chúng ta là thành viên, như một cách để diễn trình tầm nhìn và mục đích thực tại sao chúng ta lại được sinh ra dưới dạng các linh hồn cá nhân, cho xã hội. Khi đó, chúng ta sẽ hành xử như những người tạo tác, dù tạm thời chúng ta có thể bị lờ đi, bác bỏ hoặc trở nên thất bại theo chuẩn mực thông thường của thế hệ ta. Chúng ta có lẽ sẽ không trở thành các đơn vị xã hội lớn, nhưng chúng ta sẽ trở thành những cá nhân lớn lao hơn – nhưng chỉ khi chúng ta không tan vỡ hay sụp đổ trong quá trình nỗ lực ấy, một mối nguy thường chực!

Trong trường hợp nào chăng nữa, chúng ta đều cần điều hướng bản thân mình một cách có ý thức về phía các hoạt động mà xã hội cung cấp. Chúng ta cần phải biết bao nhiêu mối quan hệ mình đã tạo dựng vừa khít vào mô thức lớn hơn của xã hội ngày nay như thế nào; chúng ta và bạn bè có thể lướt trên những con sóng đang ào vào bờ của xã hội như thế nào, cũng như chúng ta có thể tận dụng vô vàn ngọn gió đang trồi sụt ngoài kia của xã hội ra sao để đạt được mục tiêu của mình. Bằng vô vàn cách thức, chúng ta sẽ học được cách tư duy và vận dụng nguồn năng lượng khổng lồ tạo ra từ sự hợp tác và sản xuất của con người với nhau một cách thông minh như thế nào, dù trong kinh doanh hay trong địa hạt văn hoá.

Nhà ba trong bản đồ sao ngày sinh biểu trưng cho những trải nghiệm một người có thể có với những con người riêng lẻ khác trong môi trường tức thời của người đó hay với những công cụ nhỏ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của một cá nhân ấy. Từ đó, cá nhân học cách khám phá giới hạn khả năng của mình, quyền năng của mình, cũng như khả năng thuyết phục người khác, thông qua việc thử nghiệm nó lên người họ hàng hay hàng xóm này kia; người ấy sẽ học cách làm sao để trở thành một tạo vật thụ động của môi trường sống và tránh tổn thương bằng cách làm hài lòng người này hoặc người kia.

Ý NGHĨA NHÀ CHÍN

Mặt khác, nhà chín – ngôi nhà đối đỉnh với nhà ba (tạo góc 180 độ với nhà ba trong bản đồ sao ngày sinh), lại liên quan tới những sự thực và bài học đến từ trải nghiệm ta thu nhặt được khi nỗ lực hiểu và bắt nối, làm quen và phân tích quang cảnh không ngừng mở rộng và thay đổi liên tục của các tổ chức và giao thương giữa con người với nhau. Tại đây, ta học cách tiêu hoá khối tài sản khổng lồ – tri thức con người được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác và mỗi thế hệ thừa kế lại thêm vào đó thu hoạch riêng từ vô vàn trải nghiệm của mình. Tại đây, chúng ta mong muốn và loay hoay tìm cách liên kết mình, như một con người có khả năng tư duy (do đó, một tạo vật văn hoá – xã hội), với chính bản thân tư duy/suy nghĩ. Chúng ta nghiên cứu quá trình tư duy, những tạo tác và con đường tư duy đã được bình thường hoá và coi như điều hiển nhiên/những quan niệm phổ biến và những điểm tư duy vặn xoắn kì dị, khó hiểu/những thứ trừu tượng do tâm trí tạo ra, cũng như những quy tắc được tâm trí đó thu nhận như công cụ để hiểu và phục vụ các hoạt động nhóm thậm chí sẽ còn thành công hơn trong tương lai.

Do đó, nhà chín được cho rằng liên hệ với triết học, tư duy trừu tượng, và quy luật. Nó cũng được liên hệ với những chuyến đi xa, các mối quan hệ ngoại quốc, ngoại giao; cuối cùng, nó bao phủ lĩnh vực tôn giáo và những trải nghiệm bí ẩn cũng như tiên tri. Những ý nghĩa khác biệt và đa dạng này đều là biểu hiện của cùng một mục tiêu cơ bản và tối thượng của nhà này – sự tiêu hoá tất cả những gì khác thường, xa cách, và nhập vào mình tất cả những gì ban đầu từng xa lạ và kì dị như thuộc về một chiều không gian khác, từng gây khó chịu, quặn thắt nơi dạ dày cũng như có vẻ vô dụng. Luôn tính đến/nhập vào tâm trí mình nhiều thứ hơn mức dễ chịu, tiêu hoá những thứ liên tục thách thức mình bằng sự gai góc và gồ ghề của nó – một hiện diện khác, nếu không tính đến sự đối lập và tương phản gay gắt giữa nó và mình: đây là điều kiện tất yếu cho sự mở rộng ý thức đích thực. Chỉ riêng những điều này thôi đã có thể khiến con người trở nên lớn lao và đúng hơn với vận mệnh của người này.

Tuy nhiên, những ý nghĩa đặc trưng nêu trên của nhà chín nên được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn, vì nhiều điều bị ẩn đi đằng sau từ ngữ như quy luật, siêu hình, tôn giáo và tiên tri – những điều mà mọi cá thể biết tư duy, háo hức duy trì và tham gia quá trình trưởng thành cá nhân, nên hiểu thấu đáo thay vì lấy làm hiển nhiên.

Đầu tiên là khái niệm về luật. Dường như có nhiều loại luật khác nhau; chúng ta nói tới “quy luật tự nhiên”, “quy luật đạo đức” và về những luật mà chính phủ của một đất nước ban sắc lệnh cũng như bầu phiếu để định nghĩa chính xác và cụ thể người dân nên hay không nên làm gì trong một số tình huống cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta nên nhận thức rằng tất cả quy luật đều đại biểu cho sự khái quát hoá và sắp đặt trải nghiệm chung của con người sao cho có thể chia sẻ kết quả trải nghiệm của họ trong một khoảng thời gian hoặc ngắn hoặc dài.

Những nhà luật học và luật sư nói về “pháp luật Anh – Mỹ/thông luật” để phân biệt với loại luật được tuyên bố và ghi chép chính thức do vua hoặc quốc hội công bố. Nhưng bất cứ khi nào một điều luật không dựa trên trải nghiệm giá trị chung thì nó là một điều lệnh, một chỉ dụ hay một quy tắc thử nghiệm mang tính tạm thời: nó không phải một “điều luật” thực sự, và nó sẽ không thể duy trì lâu – trừ phi các tình huống mới phát sinh và chứng minh cho tính khả dụng của nó.

Quá trình tạo luật chân chính có thể được quan sát thấy rất rõ ràng trong khoa học. Chúng ta thường nói rằng các nhà khoa học khám phá ra quy luật tự nhiên. Nhưng khi nói thế, chúng ta lại đang đòi thêm câu hỏi, vì ai mà biết Tự nhiên có vận hành theo những gì chúng ta gọi là luật không, chỉ khi đã trải qua một khoảng thời gian với một phổ trải nghiệm liên tục và nhất quán trên diện rộng của nhiều người rằng theo sau những nguyên nhân được định hình tương đối tươm tất là những kết quả chắc chắn, không đổi và cụ thể nào đó, thì điều ấy mới có thể được chứng minh.

Vậy nên, thực ra, một quy luật khoa học chỉ đơn giản là một tuyên bố đã được khái quát hoá, nội dung là: thông qua trải nghiệm chung của những người quan sát đã được đào tạo thì tính tới giờ, dưới những điều kiện được xác định tương đối rõ ràng, các kết quả cụ thể sẽ xảy ra nối tiếp các hành động hay hiện tượng cụ thể nào đó. Nhà khoa học khái quát hoá dựa trên trải nghiệm được ghi chép lại của những người quan sát đã thông qua đào tạo, nhằm cho phép những con người khác mở rộng lĩnh vực hoạt động của họ một cách an toàn, bảo vệ bản thân họ dưới góc độ một cộng đồng chống lại những nguy hiểm hoặc khác thường, không quen, hay còn chưa biết, để sống một cuộc đời trù phú hơn.

Còn với khái niệm “quy luật đạo đức”, đây là sự phóng chiếu cho những hành vi ứng xử lý tưởng của con người mà một số ít những người thực hành tâm linh xuất sắc trong lịch sử loài người đã chứng tỏ rằng là cách hiệu quả nhất để đạt tới trạng thái mở rộng trên tiến trình hướng tới bước tiến hoá tiếp theo – một giai đoạn mà nhân loại đang chậm rãi chuẩn bị để thực hiện.

Đức Phật, Pythago, Jesus, Thánh Francis cho thấy tập hợp ví dụ mô tả hình ảnh cá nhân phổ thông sẽ trở thành sau hàng triệu năm nữa tính từ lúc này. “Bài giảng trên núi” cho thấy một mô thức ứng xử liên con người nếu được thực hành đúng đắn sẽ tạo ra một dạng mở rộng tâm linh an toàn, tỉnh táo và dẫn tới một đời sống toàn diện cũng như trù phú hơn, với động cơ là “tình yêu” (agape, trong tiếng Hy Lạp).

Tôn giáo cũng là một cách đối diện với thôi thúc mở rộng mình của con người. Dù dưới hình thức nào, nó cũng mong muốn tìm cách giúp đỡ cá thể gặp gỡ và tiêu hoá một phạm trù rộng gồm những trải nghiệm khác thường mà nếu không sẽ khiến mọi người sợ hãi và gây ra nguy hiểm. Phạm trù trải nghiệm này liên quan tới bất kì tương tác nào với địa hạt năng lượng/lực tác động cũng như mọi quá trình tâm lý vượt qua khỏi trải nghiệm thông thường của con người bình thường và do đó, làm một người hoang mang cũng như lẫn lộn vì người đó vừa không thể loại bỏ trải nghiệm này lại cũng không thể hiểu hay tiêu hoá nó được.

 Không quan trọng nền triết học tôn giáo hay thần học này diễn giải các trải nghiệm siêu nhiên hay ngoại cảm như thế nào, mấu chốt ở đây là nó cho ta một diễn dịch thuyết phục, và nhờ đó, những trải nghiệm ấy được cung cấp một nguyên nhân khớp với hệ thống vận hành có trật tự của vũ trụ mà chúng ta vốn đã chấp nhận rồi. Chúng ta cần nhận thức về trật tự này cũng nhiều, hay thậm chí là nhiều hơn nhu cầu ăn uống.

Nếu không có tôn giáo, con người sẽ phát điên khi gặp phải những trải nghiệm điên rồ và siêu nghiệm ấy. Con người thực sự đang ngày càng trở nên mất trí hơn khi ngày nay, các diễn giải tôn giáo truyền thống có vẻ như đang dần mất đi tính khả dụng của nó. Nhưng những trải nghiệm này, dù trông có vẻ ngoại tại (sự hiện hình của các thánh thần hay ma quỷ) hay mang tính chất nội tại rõ ràng hơn (ví dụ như nỗi sợ trước cái chưa biết, cảm giác lờ mờ rằng mình đang đánh mất bản thân trong vũ trụ, thôi thúc thực hành khổ hạnh, hay thay đổi nhận thức đột ngột) đều là những mặt không thể thiếu trong nỗ lực trở nên lớn hơn của một con người.

Nhiều loại loạn thần kinh và loạn thần (tất nhiên không phải tất cả rồi) là kết quả của những nỗ lực ấy, khi nó bị ức chế, chín ép hay xảy ra trong điều kiện quá bất lợi. Nỗ lực ấy có thể không mang tính chủ động, mà thậm chí người đó còn không nhận thức mình đang cố gắng mở rộng bản thân; nhưng nó vẫn vận hành đơn giản vì con người là con người chứ không phải một loài động vật thuần tuý, vì chúng ta có thể – và do đó, phải cố gắng (dẫu cho nhỏ nhặt đến đâu) trở nên lớn hơn.

Quá trình nỗ lực này cũng tự nhiên với nhân loại như xu hướng tiến hoá đã khiến các hình thức tụ hợp của con người mở rộng từ gia đình đến bộ lạc, từ bộ lạc đến quốc gia, từ quốc gia đến đế chế hay liên bang và thậm chí cuối cùng đến một cộng đồng toàn cầu/thế giới. Sự mở rộng này của các nhóm xã hội xảy ra nhờ du lịch, giao thương, kết hôn ngoại tộc và trao đổi sứ thần/đại sứ cũng như du học. Những phương thức đa dạng này đều được chiêm tinh liên hệ với nhà chín; nó cho thấy quá trình hấp thu và tiêu hoá các nhân tố ngoại lai và kì quái đang diễn ra. Về cơ bản, nó cũng không khác gì quá trình tiêu hoá những trải nghiệm siêu nghiệm, mất trí hay siêu nhiên diễn ra dưới cái tên tôn giáo. Mục đích và chức năng tối thượng, cuối cùng của bất kì tôn giáo đích thực và phổ quát nào đều là sự phát triển của một “mối dây liên kết tâm linh giữa các linh hồn”, dù trong thế giới này hay thế giới khác.

Chức năng sâu hơn của chiêm tinh cũng nhằm dẫn dắt các cá thể đến nhận thức về sự tham gia/hài hoà của họ trong trật tự tự nhiên mà bầu trời mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường cũng như chuyển động của các hành tinh và ngôi sao là những biểu lộ quan trọng. Nếu bản đồ sao ngày sinh của bạn là biểu tượng và dấu ấn cá nhân cho thấy tính cách đích thực của bạn thì vì bản đồ sao này là sự phóng chiếu thực của cả bầu trời nên bản thân bạn cũng chính là cả đại dương trong một giọt nước – một vũ trụ nhỏ thâu gọn cả vũ trụ rộng lớn (tổng thể) qua môi sinh của Trái Đất.

Nhưng hàng xóm của bạn cũng vậy, và cả bạn bè, hay kẻ thù mà bạn căm ghét nhất cũng thế! Tất cả các bạn đều là cùng một vũ trụ rộng lớn ấy, nhưng được nhìn thấy vào những thời điểm khác nhau và ở những vị trí khác nhau trên bề mặt Trái Đất. Tất cả hành tinh đều tồn tại trong bạn, cũng như trong những kẻ tội phạm man rợ nhất hay các vị thánh được tôn thờ nhất. Mỗi con người đều được cấu thành từ những hạt vật chất giống nhau, chỉ khác ở tỉ lệ giữa các hạt, sự sắp xếp các hạt cũng như điểm cân bằng giữa biết bao chức năng của bản chất con người. Nếu bạn thực sự nhận thức được điều này thì cách thức bạn nhìn nhận kẻ thù, kẻ ngoại đạo hay những tay gangster chắc chắn sẽ thay đổi. Sự thay đổi ấy đại diện cho sự mở rộng về mặt ý thức, vì nó đồng nghĩa với sự trưởng thành trong khả năng thâu nạp những thứ quái dị, khác xa mình và những thứ còn chưa biết. Nó đồng nghĩa với hiểu biết sâu sắc hơn, tình yêu lớn lao hơn, và một bước gần hơn tới bản chất thánh thần tiềm tàng và chưa hiển lộ ra ở thời điểm hiện tại của riêng bạn.

HAI CÁCH MỞ RỘNG

Trạng thái mở rộng có thể xuất phát từ sự hợp tác, thái độ thâu nạp trong hoà bình và tình yêu; nhưng nó cũng có thể là kết quả của giết chóc và “nuốt trọn” những gì bạn tìm thấy xung quanh. Trong trường hợp đầu tiên, đường biên của chúng ta được mở rộng một cách chậm rãi và mang tính xây dựng, không làm lung lay tổng thể tồn tại, và trùng khít với định nghĩa về phát triển; còn trong trường hợp thứ hai, con người tham lam và phàm ăn chỉ đơn giản phình ra mà thôi. Người này chiếm dụng nhiều diện tích, cả về mặt xã hội lẫn tâm lý. Hai cách mở rộng này đại diện cho hai phương thức tiếp cận cơ bản nhất với vấn đề về mở rộng, và do đó, với trải nghiệm của nhà chín. Tuy nhiên, cách thứ ba thì là một cách hoàn toàn tiêu cực: đó là, từ chối sự mở rộng.

Mỗi con đường đều tạo ra những thách thức và vấn đề đặc trưng riêng. Có một dạng vấn đề sẽ nổi lên do từ chối mở rộng hay do không thể khiến bản thân khao khát mở rộng mình trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể nào đó đươc, nó cũng phát xuất từ trạng thái ức chế và thất vọng liên tục khi đối diện với thôi thúc mở rộng trong mình dưới áp lực hôn nhân, gia đình hay xã hội, hoặc là hệ quả của trạng thái sốc do các trải nghiệm mang bản chất siêu nghiệm hoặc bi kịch xã hội một cách khác thường hoặc đến quá sớm.

Một vấn đề khác của nhà chín là hệ quả của nỗ lực liên tục hấp thu nhiều hơn mức một người có thể tiêu hoá; nó có thể nghĩa là nhiều thức ăn hơn, nhiều tiền bạc hơn, nhiều quyền lực xã hội hay chính trị hơn, hoặc thậm chí học nhiều hơn, nhiều dữ kiện không liên quan, nhiều trải nghiệm với người nước ngoài hay các triết lý quá xa lạ với hiểu biết và tư duy của bản thân hơn, và cả quá nhiều ước mơ nữa.

Vấn đề cũng nảy sinh khi một người cố gắng hợp tác và yêu thương nhưng lại gieo hạt ở những vùng đất cằn cỗi hoặc chết chóc mà không một hồi đáp nào với tình yêu hay lời mời hợp tác nảy mầm cả. Giúp đỡ người khác khi không ai nhờ vả bạn hỗ trợ, thực hành chữa lành ở những nơi mà mọi người chủ đích và công khai chống lại sự chữa lành và không hề chào đón nó, cũng sẽ dẫn tới khó khăn. Để tránh những vấn đề này hoặc để xử lý nó, người ta cần tri thức, thấu hiểu và trí tuệ. Tâm lý học, triết học, tôn giáo, nghiên cứu luật lệ và phong tục được sinh ra để cho chúng ta những tri thức và hiểu biết ấy. Nhưng chúng ta phải tìm kiếm tri thức đó, chào đón hiểu biết và tự điều hướng mình một cách chủ động về phía “cuộc đời lớn lao hơn” của mình. Chúng ta cần làm vậy theo cách thức thực sự đúng với chính mình nếu chúng ta muốn gặt hái được một vụ mùa bền vững, dài lâu và hữu dụng với cá nhân mình, rồi dựa trên nền tảng vụ mùa ấy, đạt được mục đích sống riêng của mình: lí do tại sao chúng ta lại được sinh ra như những thực thể tâm linh trong một cơ thể trần thế.

“Cách thức thực sự đúng với chính mình” được gửi gắm trong nhà chín của bản đồ sao ngày sinh. Giống như với bất kì nhà nào khác, chúng ta đều cần nghiên cứu cung hoàng đạo nằm ở đỉnh nhà chín này, vị trí của hành tinh chủ quản cung hoàng đạo ấy cũng như các góc hợp nó tạo với các hành tinh khác, nội dung của nhà chín (ví dụ như nó trải rộng bao nhiêu độ hoàng đạo và có hành tinh nào ngụ tại đó không).

Tuy nhiên, điều bạn không thể khám phá là mình nên tìm kiếm sự mở rộng bản thân thông qua du lịch xa hay qua nghiên cứu sâu vào triết học, luật pháp, hay qua con đường đến với những trải nghiệm tôn giáo, nhận thức vũ trụ hoặc tiên tri uyên thâm và mang tính chuyển hoá. Bạn có thể thấy ở đây chỉ ra một cách tiếp cận chung cho tất cả cũng như bất kì trải nghiệm mở rộng bản thân mình trong các lĩnh vực hoạt động, ý thức và hiểu biết rộng lớn hơn nào. Bạn có thể thấy ở đây chỉ ra một cách biểu tượng – con đường dẫn đến “đại ngã” và những nước đi tốt nhất (nước đi mà, tự nhiên với bạn) trên hành trình hướng tới mục tiêu đó; nhưng bạn sẽ không thấy một chi tiết nào chỉ tận tay, day tận trán bạn: “Đây là những gì bạn nên tìm kiếm”. Con đường ấy sẽ dẫn bạn đến và qua nhiều quang cảnh khác nhau.

Bình luận về bài viết này